Kỹ thuật phòng chống mối

Thành phần tổ mối

Mối là loài côn trùng xã hội. Chúng sống thành tập đoàn, có khi lên tới vài trăm ngàn cá thể. Tuy nhiên, ở chúng có sự phân ngôi thứ một cách đáng ngạc nhiên…

Tổ mối gồm có: Mối chúa – mối vua, mối thợ, mối lính và mối cánh.

*Mối chúa- mối vua (queen – king): – Mối vua chúa làm nhiệm vụ sinh sản ra các cá thể khác trong đàn. Mỗi  đàn  có 1 hoặc 1 vài mối vua, 1 vài mối chúa. Các cá thể này có hệ sinh sản rất phát triển.

Mối chúa trưởng thành có một cơ thể khổng lồ giống như khúc lòng lợn chiều dài 10cm và là một cỗ máy đẻ thực sự. Đôi khi, nó còn đẻ tới hơn 30 trứng trong 1 phút. Nó không thể cử động được và được các mối thợ, dài khoảng 4mm chăm sóc và nuôi dưỡng

* Mối thợ (worker): chiếm khoảng 85% số cá thể trong đàn, chuyên làm nhiệm vụ kiếm ăn, chế biến thức ăn, xây dựng tổ, chăm sóc con non và các cá thể khác trong đàn. Các cá thể này có hệ sinh sản tiêu giảm.

* Mối lính (soldier): chiếm khoảng 10% số cá thể trong đàn. Mối lính lớn hơn nhiều và chúng có cái đầu rất to. Một số mối lính được trang bị bộ hàm giống như một cặp kéo, một số khác lại có một bộ hàm giống như mỏ. Mối lính có nhiệm vụ bảo vệ tổ mối. Kẻ thù chính của mối là kiến. Các cá thể này có hệ sinh sản tiêu giảm.

*Mối cánh (imago– mối trưởng thành): chiếm khoảng 5% số cá thể trong đàn, chuyên làm nhiệm vụ xây dựng các tổ mối mới. Các cá thể này có hệ sinh sản phát triển.

Tới mùa phân đàn, mối cánh bay ra khỏi tổ, nơi nó đã sinh ra. Nó hạ cánh ở một nơi nào đó, hai cánh bị mất đi và kết đôi với một con đực. Như vậy, chúng đã tạo ra được một tập đoàn mới.

Sau lần cặp đôi và đẻ trứng đầu tiên, mối chúa chỉ đẻ 5 – 25 trứng, tùy theo loài. Sức sinh sản này tăng dần theo tuổi. Trong 1 tổ mối, có thể có nhiều mối chúa nên sức sinh sản của 1 đàn mối cực kỳ lớn. Một số loài có khả năng duy trì tuổi thọ của đàn tới gần 100 năm.